Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay!

Với thế hệ trẻ,có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình. Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học, đó là yêu nước; tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, tôn trọng kỷ cương, đó cũng là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muôn thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm không chỉ thể hiện ý thức công dân của mỗi người, mà còn là trách nhiệm xã hội, và thông qua đó, thế hệ trẻ chúng ta thể hiện lòng yêu quê hương, xứ sở của mình một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất. Ngày nay, lòng yêu nước đã có thêm những nội dung phong phú hơn khi đất nước đang hội nhập toàn diện với thế giới. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tiến công vào mặt trận kinh tế, làm giàu cho đất nước được xem như nhiệm vụ then chốt của thanh niên. 




Ngày hôm nay, trên khắp mọi miền Tổ Quốc đã xuất hiện hàng loạt gương thanh niên vượt khó vươn lên. Góp phần làm cho "nước mạnh". Chúng ta thực sự yêu nước khi tâm lý "chuộng hàng ngoại xa xỉ " bị xóa bỏ và tâm lý “ Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được đặt lên hàng đầu, phấn đấu cho hàng Việt Nam mang tính cạnh tranh cao góp phần giúp sản xuất trong nước ngày càng phát triển.




Chúng ta yêu nước là khi góp phần xây dựng quyền lực mềm của văn hóa Việt nam để đất nước ngày một trở nên hấp dẫn, thu hút bạn bè quốc tế . Chúng ta yêu nước khi học sinh thuộc sử Việt Nam: “ Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Chúng ta tiếp thu văn minh hiện đại của nước bạn trên thế giới với phương trâm “hòa nhập chứ không hòa tan.”


Trên thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật "to lớn" cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng thực sự là lòng yêu nước không cần biểu hiện trong từng lời nói, câu chuyện hàng ngày mà nó lắng đọng trong những việc làm lặng lẽ âm thầm tưởng như hết sức bình thường. Có những thanh niên tình nguyện đến công tác ở những miền rừng núi xa xôi nhất khi vừa mới tốt nghiệp ra trường; những thanh niên miệt mài bên chiếu chèo truyền thống trong khi giới trẻ đang ồn ào với "Pop", "Rock". Có những thanh niên ngày ngày dầm mưa dãi nắng, không quản ngại để dọn sạch phố phường... ở họ đều toát lên một tinh thần rất Việt Nam đó là cống hiến, hy sinh mà không cần ai ca ngợi, không đòi hỏi phải được đền đáp, ghi danh. Vào ngày lễ Quốc khánh hay ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người người nhà nhà treo cờ kết hoa. Còn các mạng xã hội, giới trẻ thể hiện lòng yêu nước bằng cách đổi hình đại diện thành hình cờ Tổ quốc, ảnh Bác hoặc đăng những dòng chữ thể hiện tình cảm của mình chúc mừng ngày lễ lớn của đất nước. Bên cạnh đó là những thanh niên có nhận thức hết sức lệch lạc. Họ cũng biết hỏi rằng tại sao nước ta lại nghèo, lại thua kém nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng bản thân họ lại không biết phải làm gì và không làm gì để “cải thiện tình hình". Một số thanh niên đang chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức. Bây giờ là thời đại hiện đại hoá, đầy rẫy trên mạng là những bài báo viết về bệnh vô cảm của giới trẻ, trong đó có cả sự vô cảm đối với ngay cả đất nước mình. Nhưng không! Đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ thanh niên. Lòng yêu nước được dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, dù có biến đổi nhưng không bao giờ mất đi. Những thanh niên đó, đứng trước tiếng gọi của non sông và thời đại, sớm muộn cũng sẽ nhận thức được về vai trò và nghĩa vụ của mình, sẽ tìm được ra lối đi đúng đắn. Lúc ấy, lại chính lòng yêu nước sẽ nâng đỡ họ, đưa họ vượt qua những xấu xa, cám dỗ và làm được nhiều việc có ích cho bản thân, xã hội. Bởi vậy, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ thanh niên Việt Nam. Và trong tương lai, chắc chắn họ sẽ còn làm được nhiều hơn nữa. Lòng yêu nước truyền thống của cha ông sẽ được phát huy để dù là ở đâu hay bất cứ lúc nào, lòng yêu nước đó cũng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy thanh niên Việt Nam đạt được những thành tích diệu kỳ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa , hiện đại hóa, đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Lòng yêu nước đã thực sự trở thành động lực, thúc giục bao thanh niên ưu tú ngày đêm phấn đấu không ngừng để giành lấy vinh quang về cho nước nhà. Lòng tự hào với truyền thống cha ông, ý chí tự lực tự cường và ý thức tự tôn dân tộc cùng với ước mơ, khao khát cháy bỏng được góp sức mình đưa Việt Nam tiến lên ngang hàng với các cường quốc năm châu đã, đang và sẽ đưa thanh niên đi xa hơn nữa.

Kết thúc phiên phúc thẩm, lê đình lượng vẫn lãnh 20 năm tù giam

Hôm nay, 18/10/2018, tại TP Vinh, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trên cơ sở nội dung của vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Lê Đình Lượng là thành viên đắc lực của tổ chức khủng bố Việt Tân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Lê Đình Lượng đã lôi kéo được nhiều người là công dân Việt Nam vào tổ chức khủng bố Việt Tân, góp phần phát triển tổ chức Việt Tân trên lãnh thổ Việt Nam.
Lê Đình Lượng đã rất tích cực thực hiện tôn chỉ, mục đích của tổ chức khủng bố Việt Tân với mục đích làm suy yếu, tiến tới bạo loạn lật nhằm đổ chính quyền nhân dân.
Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, Lê Đình Lượng sử dụng Fb “Lỗ Ngọc (Lê Đình Lượng)” để làm ra và/hoặc tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của đảng, nhà nước; kích động người dân biểu tình, cổ súy cho các hoạt động có tính chất bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân; đồng thời tìm cách dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức khủng bố Việt Tân.
HĐXX nhận định, quá trình sử dụng Facebook, Lê Đình Lượng đã thể hiện rõ tình cảm, ý chí đồng lòng cùng tổ chức khủng bố Việt Tân, tích cực theo dõi, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên truyền cổ súy cho Việt Tân, trong đó có nhiều bài viết bình luận, ca ngợi Việt Tân, cổ vũ cho đường lối của tổ chức khủng bố Việt Tân, xuyên tạc về tình hình Việt Nam, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, môi trường để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Tại phiên tòa phúc thẩm, dù thừa nhận mọi hoạt động trong cáo trạng, nhưng Lê Đình Lượng vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Theo đó, Lê Đình Lượng đã thừa nhận có nhận tài trợ của Nguyễn Văn Hóa; tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội, xuất cảnh trái phép sang Lào từ đó qua Thái Lan tham gia lớp học do Việt Tân tổ chức; sử dụng nhà của Lượng để phát loa truyền thanh xuyên tạc sự thật, vu cáo chính quyền...
Dù trong quá trình điều tra cũng như tại phiên sơ thẩm và phúc phẩm, Lê Đình Lượng đã không thừa nhận mục đích, tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu chứng cứ, lời khai của nhân chứng, HĐXX nhận thấy đủ căn cứ xác định Lê Đình Lượng là người hoạt động tích cực của tổ chức Việt Tân tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Xét hành vi, tính chất, vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong thời gian dài, lôi kéo nhiều người tham gia, tiến hành cùng với việc có nhiều bài viết lợi dụng các vấn đề xã hội trong nước để xuyên tạc lịch sử, kích động quần chúng nhân dân, đưa tin, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hệ thống cơ quan công quyền, phá hoại tư tưởng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Vì thế, cần phải xử lý nghiêm; cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời gian dài để răn đe, giáo dục. HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của Lê Đình Lượng; xử phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, 5 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

"Xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này"

Ấn tượng về tân Chủ tịch nước được nhiều đại biểu Quốc hội, bạn học cũ chia sẻ "là một người sống giản dị và tình cảm với thầy cô".
Chiều 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đắc cử Chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu bầu 99,79%.
"Sự kiện hôm nay dù chỉ là tình huống do trước đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Việt Nam khuyết chức danh người đứng đầu Nhà nước. Nhưng tôi nghĩ rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu với kết quả đồng thuận rất cao như vậy là sự tất yếu, trước hết là ở uy tín cá nhân và về lâu dài, tôi hy vọng việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không chỉ tình huống mà sẽ được nghiên cứu để thể chế hoá", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình chia sẻ, "nhiều đảng viên và cử tri mà tôi biết đã rất phấn khởi từ khi Tổng bí thư được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tôi tin rằng nhiều người đã vỗ tay khi ngồi trước màn hình tivi chiều nay".

Còn Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân thì khẳng định tân Chủ tịch nước là "một người ưu tú, xứng đáng". Theo đại biểu, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ trên các cương vị quan trọng mà ông từng đảm nhiệm, đơn cử như công tác xây dựng Đảng hay gần đây là mặt trận phòng, chống tham nhũng... Cùng với đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng là người có cuộc sống và phong cách giản dị.
Ông Lê Thanh Vân cho hay, theo bản kê khai tài sản của Tổng bí thư thì ông ở nhà công vụ, dành dụm được một số tiền, một phần mua công trái và một phần gửi tiết kiệm. "Qua bản kê khai đó, tôi thấy rằng ngoài công việc, ông có cuộc sống bình thường như bao cán bộ, công chức khác", ông Vân nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin thêm, khi đọc bản kê khai tài sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ông thấy rất khiêm nhường. "Bản kê khai cho thấy mức lương của ông không cao, tiền tiết kiệm và tài sản cũng không nhiều. Ngoài căn nhà công vụ theo quy định của Đảng và Nhà nước, ông có hơn 300 m2 đất ở quê do ông bà tổ tiên để lại", đại biểu Dương Trung Quốc cho hay.
"Xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này"
Là bạn cùng lớp đại học với tân Chủ tịch nước, ông Dương Đức Quảng (nguyên Vụ trưởng Thông tin báo chí, Văn phòng Chính phủ) kể, "khi là sinh viên anh Nguyễn Phú Trọng học giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp vào Đảng trong trường".
"Anh Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều cương vị quan trọng như Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư và nay được bầu làm Chủ tịch nước. Nhưng xuất phát điểm của anh không phải con ông cháu cha mà sinh ra trong một gia đình nông dân quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội", ông Quảng nói.
Ông Quảng còn nhớ, có lần trong cuộc gặp thầy cô, bạn bè cùng lớp sau khi đã giữ chức danh lãnh đạo Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã "xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này".
"Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, sau khi ra trường tài năng không biết ai hơn ai. Có người gặp may, có người không gặp may. Tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn lại mãi với nhau là tình thày trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó...", ông Quảng nhắc lại tâm sự của người bạn Nguyễn Phú Trọng mà ông còn nhớ như in.
Theo ông Dương Đức Quảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có hai người con, một gái, một trai, và đều là những công chức nhà nước bình thường. Lần gả chồng cho con gái khi đã ở cương vị lãnh đạo, ngoài gia đình và họ hàng, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mời bạn bè thân thiết đến dự đám cưới. Lễ cưới đó tổ chức giản dị, chỉ có tiệc trà, hoa quả và bánh ngọt, không có cỗ bàn linh đình. Khi cưới con trai, ông Trọng tổ chức trong nội bộ gia đình và mời rất ít bạn bè.
"Chỉ sau đám cưới của con, anh Trọng mới gửi thiếp báo hỷ tới bạn bè. Tôi cũng là một người nhận được thiệp báo hỷ như thế", ông Quảng cho hay.
Còn với các thầy giáo, theo ông Quảng, tân Chủ tịch nước luôn giữ được đạo nghĩa thầy trò. Khi biết tin Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, thầy giáo dạy ngôn ngữ thời đại học định cư và mất ở Nga, được gia đình đưa tro cốt về quê ở Nghệ An, ông Trọng khi ấy là Chủ tịch Quốc hội vì bận công việc không vào được đã gửi vòng hoa và nhờ các bạn, lãnh đạo địa phương đến viếng thầy.
Ngày thầy giáo cũ - Giáo sư Phan Cự Đệ mất, ông Nguyễn Phú Trọng đến viếng, tuy có vòng hoa riêng nhưng Chủ tịch Quốc hội vẫn nhập đoàn với các sinh viên Văn Khóa 8 trường Đại học Tổng hợp.
Cô giáo dạy tân Chủ tịch nước từ ngày lớp 4 Đặng Thị Phúc vẫn nhớ mãi cậu học trò "chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, đi chân đất, không kể đông hay hè". Nhờ bài thơ "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T) cô đọc ở hội thơ nhà giáo, cậu học trò nhỏ đã gọi điện hỏi thăm và tìm về thăm cô sau 50 năm.
"Trò Trọng đến khi tôi đang chuẩn bị cơm chiều, kể cũng tài, lúc đó nhà tôi đang xây nên phải đi ở thuê, đường quanh co mà em vẫn tìm được", bà xúc động nói.
Một câu chuyện từng được ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại chia sẻ trong cuộc họp tổ của Quốc hội. Đó là khi xảy ra vấn đề Biển Đông (vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tháng 5/2014) thì Trung ương đang họp, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp và ông Nguyễn Văn Giàu là thành viên của Đảng đoàn Quốc hội được tham dự các phiên họp này.
"Tôi nhớ phiên thảo luận đó, cuối cùng Tổng bí thư quyết. Ông đã nói là bằng mọi cách, bằng mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Đi bằng cách nào? Bằng ba trụ cột. Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế, trụ cột thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và toàn thế giới, với Liên Hiệp Quốc để ủng hộ ta. Trụ cột thứ ba là thực địa, kể cả mời báo chí trong nước và nước ngoài ra ngoài khu vực nóng. Sau này dư luận ca ngợi người này, người khác thì không phải như vậy, mà là trí tuệ của Bộ Chính trị và người kết luận là Tổng bí thư", ông Nguyễn Văn Giàu kể.
(Hoàng Thuỳ - Viết Tuân)

Toàn văn phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Chiều 23/10, Quốc hội đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau lời tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, tân Chủ tịch nước có bài phát biểu nhậm chức. 

Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa các đại biểu, khách quý,
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí, cử tri cả nước,
Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước. Sau đây tôi xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này để mong được các đồng chí và các vị cùng chia sẻ.
Chắc có đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật là vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước.
Kính thưa Quốc hội,
Chắc là có vị cũng hỏi là sắp tới có hứa hẹn gì không. Những lời đó tôi đã hứa, tuyên thệ rồi. Xin nói thêm vì sao vừa mừng, vì sao vừa lo, đây là tâm trạng thật lòng.
Giống như cách đây hơn 12 năm. Tôi nhớ vào ngày 26/6/2006, vào 16h, Quốc hội bầu đã bầu tôi làm Chủ tịch Quốc hội. Tôi cũng vừa mừng vừa lo. Lo chưa quen công việc của Quốc hội, nói vui là chưa được làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ nên rất là bỡ ngỡ. Khi đó tôi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng.
Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:
"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Đến bây giờ tâm trạng cũng như vậy, nhưng có phần lo lắng hơn, vì 3 lý do.
Một là tình hình nhiệm vụ của đất nước ta. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, thành tích là lớn lao, chúng ta đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, rất nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi trước mắt chúng ta.
Tôi cũng đã từng nói là đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền tự hào, phần khởi, ăn mừng trước những thành tựu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đạt được trong thời gian vừa qua. Nhưng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Cần luôn luôn giương cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác. Diễn biến trước tình hình thế giới hiện nay, như chúng ta biết không biết điều gì sẽ xảy ra, không thể lường hết được, nên không được chủ quan.
Thứ hai, như các vị đại biểu và các cử tri đã biết. Từ hôm nay chính thức được Quốc hội trao nhiệm vụ Chủ tịch nước, đồng thời cũng đang gánh chức Tổng bí thư của Đảng. Công việc rất nhiều. Bởi vì Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nơi. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn.
Trình độ, năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ. Sự hiểu biết không đáp ứng được yêu cầu. Thực tình là rất lo. Trong khi đó tuổi tác thì đã lớn rồi. Bác Hồ cũng đã nói rồi, tuổi càng càng, sức khỏe càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn chuẩn bị sẵn tinh thần.
Chính vì vậy, tôi kính mong các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri, nhân dân cả nước thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện.
Các cơ quan hữu trách như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan tư pháp, các ban ngành Trung ương, các cấp, các ngành địa phương phải phối hợp thật tốt, thật nhuần nhuyễn, nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết thật cao, có như vậy mới tạo điều kiện giúp đỡ cá nhân tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Riêng về phần cá nhân mình, một lần nữa tôi xin nhắc lại sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng, làm hết sức mình, đáp ứng yêu cầu, tình cảm mà Quốc hội, nhân dân đã dành cho chúng tôi.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
Chúc kỳ họp thứ 6, khóa XIV của chúng ta thành công tốt đẹp! Xin cảm ơn!

Thêm đối tượng được miễn học phí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.


Theo đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định trên làm Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu kèm theo Nghị định số 145/2018/NĐ-CP và hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Nghị định nêu rõ, trường hợp trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hưởng chính sách miễn học phí theo quy định tại Nghị định này đồng thời thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chỉ phải nộp bổ sung Đơn đề nghị miễn học phí.
Trình tự thủ tục xét duyệt hồ sơ, chi trả, cấp bù kinh phí miễn học phí thực hiện theo quy định như đối với các đối tượng được miễn học phí quy định tại Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 145/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2018. Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi quy định ở trên được thực hiện từ năm học 2018 – 2019 (từ ngày 1/9/2018).
Theo dự thảo Luật Giáo dục dự kiến thông qua vào kỳ họp đầu năm 2019, học sinh mẫu giáo 5 tuổi, học sinh THCS sẽ được miễn học phí. Hiện chỉ học sinh tiểu học được hưởng chính sách này./.
Nguyễn Trang/VOV.VN