Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

ANH HÙNG, ĐẠI TÁ TÌNH BÁO ĐINH THỊ VÂN

Một người phụ nữ mảnh khảnh, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba, không qua một lớp đào tạo nào về nghiệp vụ tình báo nhưng bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đó chính là nữ tình báo, Anh hùng, Đại tá Đinh Thị Vân - một tấm gương đáng để các thế hệ hôm nay tự hào, học tập và noi theo.
Bà cùng những tên tuổi đã trở thành huyền thoại như: Thiếu tướng Vũ Xuân Nhã, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Lê Hữu Thúy… góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 30/4/1975, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Căn nhà nhỏ trên gác 2 ở số 8, Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội là nơi nữ tình báo Đinh Thị Vân sống những năm cuối đời. Sau đó được giao lại cho người cháu Đinh Văn Đạt, năm nay đã ngoài 60 tuổi, làm nơi tưởng niệm nữ tình báo Anh hùng.

Hy sinh hạnh phúc riêng cưới vợ cho chồng!


Đại tá Đinh Thị Vân (SN 1916), sinh ra ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên thật là Đinh Thị Mậu, xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ bà đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ngày ấy giác ngộ, động viên tham gia hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm “ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Tháng 6/1954, Trung ương quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác tại Cục Nghiên cứu Tổng tham mưu - Bộ Quốc Phòng. Bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình mẹ già yếu, chồng bị đau ốm nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt lại phải xa quê hương, xa những người thân yêu nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội đã tin tưởng giao phó. Mặc dù nghĩa tình sâu nặng nhưng bà đã chủ động đề nghị với lãnh đạo đồng thời cưới vợ cho chồng chăm sóc, lo toan việc nhà tạo điều kiện để mình hoàn thành nhiệm vụ.

Chỉ một thời gian ngắn bà đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở nội thành Hà Nội. Chấp hành chỉ thị, bà Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống Hải Phòng. Nhờ vào các mối quan hệ và công tác vận động, giác ngộ quần chúng chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết”.

Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Tháng 10/1954, trước ngày quân ta kéo về giải phóng Thủ đô, bà nhận lệnh bí mật vào Nam hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, bà đã đóng vai “người đi buôn vào Nam kiếm sống”. Từ đó, ngày ngày “dì Sáu di cư” trĩu nặng trên đôi vai gầy gánh guốc đi bán rong khắp ngõ phố Sài Gòn. Từ chợ Bàn Cờ, chợ An Đông, đến chợ ông Tạ, chợ Cầu Bông, từ ngã tư Hàng Xanh, vòng lên chợ Cầu Muối…

Để hỗ trợ cho hoạt động của bà, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt. Thế nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà hoạt động bí mật.


Người nữ anh hùng.

Do sơ suất của một cơ sở trong lưới, bà Vân đã bị địch nghi ngờ và bắt giam. Cho dù chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở bà, chúng đưa bà đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Sau năm năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần nhưng với dũng khí phi thường của người Cộng sản, bà Đinh Thị Vân đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn mạng lưới tình báo do bà phụ trách.

Phát huy đà thắng lợi của hai mùa khô, cục diện trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta. Trung ương quyết định: “Chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - Thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch “Vụ Mùa”. Bà trực tiếp hướng dẫn việc chuẩn bị “Vụ mùa’ ở Sài Gòn, chuẩn bị giao liên dẫn đường cho lực lượng ở bên ngoài vào. Tất cả tin tức đều đã được mạng lưới của bà kịp thời báo cáo ra Bộ chỉ huy chiến dịch kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi “Vụ mùa” đã triển khai mà địch vẫn không hề hay biết.

Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên bầu trời Sài Gòn, xe nha binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo. Trong thời điểm ấy, bà Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sỹ trong lưới của mình, âm thầm làm nhiệm vụ. Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc tổng tiên công Mậu Thân, Mỹ Ngụy rất hoang mang lo sợ nên càng lùng sục, bắt bớ và thẳng tay đàn áp dã man, nhưng lưới tình báo do bà Vân phụ trách hóa trang giấu kín mình trong từng vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn công khai hoạt động giữa vòng vây của cảnh sát và mật vụ Sài Gòn.

Tháng 3/1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khỏe của bà Vân bị giảm sút sau những năm tháng tù đày bị địch tra tấn dã man và hoạt động vất vả, căng thẳng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nên cấp trên đã quyết định điều bà ra Hà Nội để điều trị và phân công làm công tác huấn luyện.

Với công lao cống hiến cho Đảng và Nhà nước cũng như quân đội, ngày 25/8/1970, bà Đinh Thị Vân được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau gần trọn một đời cống hiến cho cách mạng, bà về nghỉ hưu ở căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, mọi người nơi bà cư trú. Bà Đinh Thị Vân mất ngày 11/12/1995 tại Hà Nội.

Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng, lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng với vai một người lao động bình thường, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba… Vì những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, bà Đinh Thị Vân xứng đáng trở thành huyền thoại trong ngành tình báo Việt Nam.

VIỆT NAM - TIẾN LÊN KHÁT VỌNG HÙNG CƯỜNG

Bước vào năm mới 2019 với những kết quả ấn tượng, Việt Nam cũng đứng trước mục tiêu hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào năm 2045 – dịp kỷ niệm 100 năm độc lập, một mục tiêu đòi hỏi phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc và đổi mới sáng tạo.
Chúng ta đón năm mới 2019 sau một năm có thể nói là trọn vẹn trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với toàn bộ 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra và đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Đáng mừng hơn, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện và Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều ý kiến đã coi đây là những kỳ tích trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ này, đất nước đứng trước những “bề bộn khó khăn” và tình hình thế giới đang biến động mạnh mẽ. Nhìn về tổng thể, thế và lực của ta đã khác trước, đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên.
Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực cũng có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Nhiệm vụ này Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt.
Những kết quả đạt được đã tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016-2020, giúp việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm trở nên hoàn toàn khả thi, đồng thời tiếp tục củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, không khí phấn khởi, tin tưởng tiếp tục lan rộng khắp cả nước.
Những thành tựu này đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của Chính phủ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay, chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương, mức thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD không có gì quá phấn khởi, “phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”.
Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức này
Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm 2019 - năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011-2020. Năm 2019 cũng là năm rất đặc biệt - Năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại nhiều sự kiện gần đây, Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn. Theo đó, đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Tại một hội nghị đầu năm 2018, Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề “Việt Nam phấn đấu trở thành một con hổ kinh tế mới, tại sao lại không”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của khát vọng vươn lên hùng cường, thịnh vượng, của tinh thần dân tộc. Những yếu tố này sẽ mãi mãi là sức mạnh hạt nhân của chúng ta, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước.
Cùng với đó, theo Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường và làn sóng công nghệ đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra càng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Để có xung lực mới cho phát triển, không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhìn lại thực tế Việt Nam, có thể thấy khát vọng hùng cường, thịnh vượng là khát khao cháy bỏng của người dân và năng lượng, tiềm năng phát triển là rất lớn. Chỉ cần nhìn vào tinh thần cổ vũ của người dân trước các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam là có thể thấy được phần nào tinh thần, khát vọng vươn lên ấy. Và rõ ràng, tinh thần ấy không chỉ trong bóng đá.
Trong bối cảnh mới, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ ngày càng quyết liệt và khắc nghiệt. Thực tiễn đang đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm. Chỉ khi mọi tiềm năng được khai phá, mọi sự sáng tạo được bùng nổ, đất nước ta nhất định sẽ tự tin bước vào chặng đường mới, nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước.
---
[THÔNG TIN CHÍNH PHỦ]

HÃY ĐẶT NIỀM TIN VÀO THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM

Bác Hồ từng viết: Một năm khởi đầu từ mùa xuân - Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội và Cố Chủ Tịch nước Trần Đại Quang cũng đã từng khẳng định: 'Ước vọng mãi mãi chỉ là ước vọng nếu ta không hành động, cơ hội sẽ trở thành nuối tiếc nếu ta không nắm bắt, triển vọng chỉ là thất vọng nếu ta không quyết tâm''. Tự tin, mơ ước, khát vọng sẽ cho chúng ta động lực để có thể làm được những điều phi thường, tuy nhiên cái gì trên thế giới này cũng phải trải qua một thời kỳ quá độ.

Đất nước ta trải qua bao thăng trầm biến động của lịch sử, hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Để có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay ông cha ta đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt, cái giá của hòa bình là không hề nhỏ. Trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước chúng ta phải trải qua một thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đó là một điều tất yếu.

Lịch sử đã đặt lên vai cha ông ta là phải viết lại tên Tổ Quốc trên bản đồ thế giới, giành lại cho bằng được độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất cho bằng được đất nước và hành trang duy nhất của họ chỉ là tấm lòng yêu nước vô bờ bến, lòng quyết tâm,tinh thần đoàn kết đã tạo lên một sức mạnh bách chiến bách thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bác Hồ kính yêu đã giành được tự do độc lập, tạo nên một bước ngoặc lịch sử trọng đại mang tên thời đại Hồ Chí Minh, một thời đại rực rỡ huy hoàng, với nhiều mất mát hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt. Tinh thần yêu nước của dân tộc ta đã trở thành một truyền thống được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc luôn cao ngút trời.

Đất nước thanh bình nhà nhà lo làm ăn phát triển kinh tế, mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng mỗi khi Đất nước diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại thì lòng yêu nước của nhân dân ta lại có dịp được trỗi dậy, ngày Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đi xa dòng người tiễn đưa Đại Tướng dường như dài vô tận, những giọt nước mắt tiếc thương sao bùi ngùi đến thế !?Mỗi khi có đội bóng, đội thể thao nước nhà tham gia thì đấu thì Cờ đỏ sao vàng tung lại tung bay trên mọi nẻo đường, lòng tự tôn tự hào dân tộc dâng cao mãnh liệt, thế hệ trẻ bóng đá Việt Nam chính là niềm tin, niềm tự hào giúp chúng tin tưởng vào thế hệ trẻ còn làm được nhiều điều hơn thế...kế tiếp truyền thống quý báu của thế hệ cha ông, nhiệm vụ của thế hệ trẻ xóa tan đói nghèo lạc hậu, bước những bước vững chắc trên con đường chinh phục tri thức nhân loại, xây dựng đất nước giàu đẹp văn minh, đó là hoài bão là khát vọng của Đất nước của dân tộc ta.

Cá nhân tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, giới trẻ hôm nay họ những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, họ được ăn học đàng hoàng, các bạn có một nền tảng tri thức, kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, họ gánh vác trọng trách, sứ mệnh lịch sử giao phó. Đất nước ta đã phải trải qua hàng trăm năm chiến tranh và hàng chục năm bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi bước đầu đã khẳng định mình trên trường quốc tế. Lịch sử hôm nay đang đặt lên vai thế hệ trẻ một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng không kém phần vinh quang, thế hệ trẻ hôm nay hãy đem tri thức và trí tuệ Việt Nam thời đại mới hãy cùng nhau làm nên những Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa - Điện Biên Phủ trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, văn hóa, thể thao nâng tầm Việt Nam lên ngang tầm thời đại sánh vai với cường quốc năm châu. Và tôi tin rằng dòng máu Lạc Hồng sôi sục chảy trong tim họ sẽ giúp họ nhất định làm được, vì vậy chúng ta hãy đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam