Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CÁC NHÀ BÁO NƯỚC NGOÀI

“..Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi..”
- Trích trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố rộng rãi trên Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T. 4, Tr.161-162.

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trên núi Hoàng Sơn, năm 1965.

TRÁCH NHIỆM BÁO CHÍ TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG TIN GIẢ

Sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia trong cuộc chiến chống tin giả (fake news) cho thấy nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan, đơn vị báo chí.
Đến nay, những đối tượng quá khích, gây bạo loạn tại Bình Thuận hồi tháng 6-2018 đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại “cơn lên đồng tập thể” của một nhóm người. Trong vụ việc này, không thể không nhắc đến một hiện tượng tưởng là bình thường nhưng có vai trò như việc thêm dầu vào lửa. Đó là thông tin “20.000 cảnh sát cơ động đến trấn áp tại Bình Thuận” mà một số đối tượng đưa lên mạng xã hội, rồi lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thông tin giả mạo bóp méo sự việc đến mức phi lý này ngay lập tức đã góp phần kích động, dẫn đến hành động sai trái trong một bộ phận nhân dân thiếu thông tin, hoặc tin theo tin giả một cách cảm tính, và là nguyên nhân đẩy một số người tới thái độ chống đối chính quyền. Hậu quả nguy hại của vụ việc là trụ sở cơ quan nhà nước bị đập phá, xe cộ bị đốt cháy, lực lượng chức năng bị tiến công và hành hung, cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn, trật tự xã hội bị ảnh hưởng. Hay gần đây nhất là việc thị trường nhà đất Đà Nẵng liên tục biến động bất thường. Lý do sốt đất là do hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đô thị được “vẽ” ra trên mạng mà đỉnh điểm là thông tin chính quyền thành phố đồng ý xây cầu nối hai khu đô thị khiến không ít người nhầm tưởng vội vã xuống tiền mua các lô đất ở đây với giá cao ngất ngưởng. Nhiều tin giả khác như máy bay rơi, vỡ đập thủy điện, bắt cóc… lan truyền với tốc độ chóng mặt gây không ít hoang mang, bất ổn. Đó chỉ là một số thí dụ điển hình của nạn tin giả (fake news) đang hoành hành trong đời sống, với mức độ ngày càng ngang nhiên, trắng trợn, gây tác hại ngày càng nguy hiểm, khó lường, tác động đến các lĩnh vực hoạt động xã hội, đe dọa sự an toàn của các tổ chức, cá nhân.

Điều đáng nói là bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của một số người, còn xuất hiện sự gia tăng tin giả với ý đồ rõ ràng, mà mục đích chính là phá hoại uy tín của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, tiến công vào hệ thống chính trị, vào chế độ…
Không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới tin giả cũng là vấn nạn, tác động tiêu cực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế... Một khảo sát năm 2018 của Viện thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ cho thấy 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch. Đánh giá tác hại của fake news, D.Patrikarakos (D.Pa-trích-ka-ra-cốp) tác giả cuốn sách Chiến tranh trong 140 nhân vật phân tích đại ý: tin giả không hoạt động như tuyên truyền truyền thống, nó cố gắng làm vẩn đục nước, cố gắng gieo càng nhiều nhầm lẫn và càng nhiều thông tin sai lệch càng tốt, để khi mọi người nhìn thấy sự thật, họ khó nhận ra hơn… Lùi thời gian về trước, hồi cuối tháng 11-2017 một hội thảo quốc tế với chủ đề “Những hậu quả nghiêm trọng của tin giả đối với an ninh quốc gia và các thiết chế xã hội” được tổ chức tại Ca-na-đa thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ châu Âu và châu Á, Mỹ, Ca-na-đa,... đã đi đến kết luận: tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội, đe dọa trực tiếp sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội. Đáng chú ý, tại hội thảo, Ủy ban An toàn Thông tin Ca-na-đa (SCRS) công bố báo cáo có nhan đề “Chống lại tin giả - Một cuộc chiến tổng lực, không biên giới” cho biết: “Sự phổ cập, khả năng truyền bá thông tin nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Twitter, đã góp phần làm trầm trọng thêm các hậu quả gây ra bởi các tin giả. Vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả”. Các chuyên gia đã đi đến đồng thuận: “Không thể có một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề về nạn tin tức giả, một vấn đề phức tạp và đa chiều. Những giải pháp như tăng cường vai trò của báo chí truyền thống, kiểm tra chi tiết các thông tin nhận được, cải tiến công nghệ để thay đổi phương thức truyền tải thông tin và việc đưa ra các bài giảng để nâng cao nhận thức của người dân có được năng lực phân biệt tin thật và tin giả, tất cả có vai trò quan trọng và phải được phối hợp đồng bộ. Từng quốc gia cũng cần xây dựng những điều luật để chống lại nạn tin giả và cộng đồng quốc tế phải sát cánh cùng nhau xây dựng được một Công ước Quốc tế để chống lại nạn tin giả”.

Nỗ lực chống lại sự gia tăng của tin tức giả mạo với chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, trở thành một tác nhân gây chia rẽ chính trị, cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang được nhanh chóng triển khai, thực thi tại nhiều quốc gia. Mới đây, ngày 5-12, Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên chủ động cảnh báo nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật. Dự kiến APAD sẽ chính thức được thiết lập vào tháng 3-2019, có nhiệm vụ chia sẻ dữ liệu, phân tích các chiến dịch tuyên truyền, đồng thời thúc đẩy việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các thành viên trong khối nhằm cùng ứng phó với tình trạng tung tin giả mạo, sai sự thật và nâng cao cảnh giác cho cộng đồng. Đây được đánh giá là động thái quyết liệt của các quốc gia thuộc EU trước nạn tin giả. Trước đó, ngày 2-4-2018, với việc thông qua Luật Chống tin giả, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã trở thành một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật này. Theo đó, Luật quy định tin giả mạo là tin “sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo, dù dưới dạng tài liệu, hình ảnh hoặc ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi từ hoặc ý tưởng”. Luật được áp dụng với tất cả tài khoản mạng xã hội, các blog và diễn đàn trực tuyến, cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài Ma-lai-xi-a, nếu có hành vi cung cấp “tin giả” liên quan đến đất nước hoặc người dân Ma-lai-xi-a...


Thật ra, tin giả không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, chỉ đến khi có sự “trợ giúp từ việc phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội mới thật sự trở thành một “đại dịch” với sức tàn phá khủng khiếp. Các trang mạng xã hội với những đặc tính riêng nhằm phục vụ tối đa cho người sử dụng còn có mặt trái là môi trường lý tưởng để tin giả nhanh chóng phát tán. Bởi vậy không ngạc nhiên khi hàng loạt quốc gia đã lên tiếng yêu cầu các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát thông tin. Chính nhờ sức ép mạnh mẽ từ các quốc gia, Facebook, Google, Twitter, Mozilla… đã phải thừa nhận trách nhiệm về nạn tin giả trên trang mà họ tạo dựng, đồng thời phải đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tháng 9-2018, Facebook đã thiết lập một văn phòng đặc biệt mang tên “War Room” có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với nhiệm vụ ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội để can thiệp các cuộc bầu cử sắp tới tại quốc gia này thông qua việc tung tin tức giả mạo. Hoặc với việc ra mắt APAD, EU cũng đưa ra yêu cầu buộc các mạng xã hội phải nghiêm túc tuân thủ cam kết bảo đảm quảng bá chính trị minh bạch, chặn các tài khoản giả mạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xác định các chiến dịch tung tin sai lệch. Cụ thể, ngay từ tháng 1 đến tháng 5-2019, các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm báo cáo hằng tháng về kết quả đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC), các nền tảng trực tuyến không tuân thủ những cam kết nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm.

Ở Việt Nam, liên tục trong nhiều năm qua, nạn tin giả với nhiều hệ lụy, gây hoang mang, đe dọa ổn định trật tự xã hội đã liên tục được cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng cũng tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, vi-đê-ô clíp có nội dung xấu độc, bịa đặt, vu khống cá nhân, chính quyền, kêu gọi biểu tình, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước... gây bất ổn trong xã hội, đất nước. Song cũng cần thẳng thắn khẳng định rằng trong một số trường hợp, không ít báo chí chính thống dường như lép vế, phản ứng chậm trước tin giả, không kịp thời phát hiện để cung cấp thông tin xác thực mà dư luận quan tâm. Đã có không ít trường hợp báo chí cũng bị mắc bẫy tin giả, hoặc mất phương hướng; thậm chí có tờ báo còn sản xuất ra tin giả, mà thí dụ điển hình là mới đây, một tờ báo có lượng phát hành lớn đăng bài phản ánh việc xuất hiện pa-nô có tiếng nước ngoài ở rừng tràm Trà Sư (An Giang) tạo những ồn ào, phản ứng trái chiều không đáng trong dư luận, trong khi đó chỉ là tấm biển hướng dẫn khách du lịch bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Trung Quốc, nhưng thông tin đã bị “cắt cúp” nhằm làm sai lạc bản chất...

Ngày 12-6-2018, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2019 là cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả. Nhưng cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt bởi hằng ngày, hằng giờ, tin giả giống như một bệnh dịch vẫn tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thực tế cho thấy, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và việc cảnh báo người dân trong lựa chọn thông tin khi mà mỗi ngày họ đang tiếp cận rất nhiều nguồn cung cấp thông tin dễ dẫn đến nhiễu loạn, mất phương hướng, thì vai trò của báo chí đang được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Vì trong “cuộc đua” về thông tin, nhất là với thông tin trên mạng xã hội, hơn ai hết báo chí đang nắm giữ nhiều lợi thế.

Đưa tin đúng là chưa đủ mà các nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, vốn thường được nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng hơn là sự thật; tăng thêm lượng thông tin sạch cho người dân, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân… để kích động, trục lợi. Do đó, để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, chắc chắn không có gì hơn là tăng cường sự lành mạnh của báo chí, cung cấp thông tin nhanh nhạy song trung thực, chính xác. Khi không còn niềm tin và hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin họ quan tâm. Từ đó định vị và khẳng định sự tin cậy.

Thành Sơn/Nhân dân

BỘ 4T ĐỀ XUẤT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC PHẢI DÙNG TÊN THẬT TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Những ngày qua, cộng đồng mạng lại dậy sóng khi Bộ 4T tổ chức hội thảo góp ý kiến “Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” đối với thành phần công chức, viên chức Nhà nước, Khôi hài thay, giới dân chủ vốn phần lớn không phải là công chức, viên chức Nhà nước lại tích cực bàn thảo nhiều nhất. Qua nội dung bàn thảo của họ cho thấy rất nhiều bí mật được tiết lộ, vốn là bửu bối mà họ sử dụng để "đấu tranh dân chủ cho Viêt Nam" lâu nay. Thậm chí đáng lý ra người lo lắng nhất phải là công chức, viên chức bị "bịt miệng", "không được tự do ngôn luận" thì dường như giới dân chủ Việt lại lo cho tương lai, sự nghiệp của chính mình bị "bịt miệng" vậy.

Xin được mổ xẻ sự vụ này, như sau:
Bàn về Dự thảo bộ quy tắc ứng xử mà Bộ 4T đưa ra, có quy định rằng khi tham gia mạng xã hội, công nhân viên của các cơ quan nhà nước phải tuân thủ một loạt các nguyên tắc:
- Thứ nhất, họ phải công khai tên thật, ảnh thật và nơi công tác của mình.
 -Thứ hai, họ phải ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa; chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực, công bằng; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.
- Thứ ba, họ không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội, không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội, không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Thứ tư, họ phải thông báo rõ ràng rằng các ứng xử trên mạng xã hội là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ 4T Hoàng Vĩnh Bảo cho biết bộ quy tắc ứng xử này được xây dựng như một "khuôn khổ thể chế mềm" để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ mạng xã hội, bao gồm "các thông tin xấu, độc". Khi báo chí chính thống đưa tin về dự thảo, họ dồn sự chú ý vào đề xuất rằng công nhân viên Nhà nước sẽ phải công khai tên thật, ảnh thật và nơi công tác trên mạng xã hội. Nhân đó, trong tuần qua, đài RFA tiếng Việt và ông Chu Mộng Long đã có bài công kích chi tiết này, trong khi bỏ qua các chi tiết khác.
Để khai thác chủ đề, RFA đã phỏng vấn cựu phóng viên Đỗ Cao Cường, luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư Nguyễn Duy Bình, và "cô Tuyền sống ở TP.HCM". Trong đó, Cường và Tuấn đồng loạt giải thích rằng khi Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra quy định trên, Bộ muốn "ngăn cấm" giới công nhân viên Nhà nước đăng thông tin nội bộ ở cơ quan lên mạng xã hội, trong dụng ý chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp đó, "cô Tuyền" công kích rằng dự thảo này "vi phạm quyền riêng tư của người dân". Đỗ Cao Cường nói rằng đây là một hình thức "nô lệ hóa" công chức, khiến công chức không dám nói sự thật. Ngô Anh Tuấn không công kích, mà chỉ nói rằng việc này không khả thi, vì mỗi công chức có thể lập hàng chục nick ảo để qua mặt bộ quy tắc ứng xử. Nguyễn Duy Bình nói rằng vì Bộ Thông tin - Truyền thông chưa quy định rõ "thông tin xấu" là gì, Bộ có thể làm theo thói quen là cấm các thông tin mà nhà nước không thích, dẫn đến việc "bóp nghẹt tư tưởng của cán bộ, công chức khi họ muốn 'ứng xử thuận chiều' - đồng tình với những thông tin được nhân dân, nhân loại tiến bộ cho là tốt, là tích cực".
Trong khi đó, Chu Mộng Long châm chọc rằng trước khi ban hành bộ quy tắc ứng xử này, Nhà nước phải sửa Luật Báo chí theo hướng cấm phóng viên các báo chính thống dùng bút danh, để các bút danh như "Trần Dân Tiên" không còn gây tranh cãi sau nửa thế kỷ.
Như đã trình bày trong kỳ trước, qua lập luận phản đối, công kích dự thảo bộ quy tắc trên cho thấy, ngoài đặc trưng cổ vũ "tự do ngôn luận" theo kiểu "ẩn danh", không chịu trách nhiệm với phát ngôn và hậu quả xã hội do phát ngôn của mình gây ra vốn đã trở thành "bảo bối" gắn mác "đấu tranh dân chủ" lâu nay của họ, điều họ lo sợ nhất là khi giới công chức, viên chức Nhà nước buộc phải dùng tên thật khi tham gia mạng xã hội và chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình thì sẽ không thể "tố cáo sai phạm trong bộ máy", vi phạm quyền riêng tư, gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng, bịt miệng họ...

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến:
* Thứ nhất, chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Đỗ Cao Cường và Ngô Anh Tuấn, rằng giới công nhân viên Nhà nước sẽ không thể chống tham nhũng, tiêu cực nếu phải dùng tên thật trên mạng xã hội. Trong thực tế, khi một công chức phát giác một vụ tham nhũng, sai phạm có thật, anh ta có thể công khai đưa vụ việc ra ánh sáng theo 3 cách. Một, là dùng tên thật của mình để viết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến vụ việc. Hai, là dùng tên thật của mình để phản ánh vụ việc với báo chí. Ba, là dùng tên thật của mình để đưa vụ việc lên mạng xã hội.
Nếu sợ bị trả thù, công chức đó có thể đề nghị giấu tên khi cung cấp thông tin về vụ sai phạm cho cơ quan điều tra hoặc báo chí. Bởi Khoản 4, Điều 38 của Luật Báo chí 2016 có quy định như sau:
"Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không Tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin."
Khi công nhân viên Nhà nước tố cáo tham nhũng, sai phạm bằng 4 phương thức vừa nêu, báo chí và cơ quan điều tra sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn tin để xác minh sự thật, nhằm đưa vụ việc ra ánh sáng. Ngược lại, nếu công nhân viên Nhà nước tố cáo tham nhũng, sai phạm bằng nick ảo xã hội, họ sẽ chỉ tạo ra các tin đồn mà không ai kiểm chứng được - thứ gây hỗn loạn trong xã hội một thời gian rồi chìm vào quên lãng.
* Thứ hai, cần lưu ý rằng theo quy định của pháp luật và cơ quan, thì công nhân viên Nhà nước không được đưa một số loại thông tin lên mạng xã hội. Chẳng hạn, Khoản 3 Điều 18 của Luật Cán bộ Công chức 2018 quy định rằng công chức không được "lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi". Khoản 1 Điều 19 của luật này quy định rằng "cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức". Những quy định này không có gì quá đáng, vì chúng cũng tồn tại trong luật pháp của nhiều nước phương Tây. Chẳng hạn, Mỹ từng truy tố cựu nhân viên CIA Edward Snowden về tội gián điệp và tội tiết lộ bí mật quốc gia, dù những thông tin mà Snowden tiết lộ cho thấy chính phủ Mỹ đã có nhiều sai phạm trong lĩnh vực nhân quyền, khi theo dõi điện thoại và Internet của nhiều người trên toàn thế giới.

Như vậy, các quy định mà Bộ Thông tin - Truyền thông đang đề xuất có nhiều điểm phù hợp với pháp luật Việt Nam, chứ không đáng tranh cãi như truyền thông lề trái đang mô tả. Tuy nhiên, Bộ cũng nên ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Duy Bình, rằng cần xác định rõ các loại thông tin mà công nhân viên Nhà nước không được đăng lên mạng xã hội, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.
LP.

BẮT NỮ PHÓNG VIÊN TỐNG TIỀN DOANH NGHIỆP

Sáng 19/12, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang xác nhận, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa bắt giữ một nữ phóng viên của tờ Thương hiệu và Công luận vì hành vi tống tiền.

Nữ phóng viên bị tóm bắt vào chiều 18/12/2018 là Đào Thị Thúy Bình của báo Thương hiệu và Công luận ở Hà Nội. Theo hồ sơ, nữ phóng viên đã có hành vi tống tiền một doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với số tiền 100.000 USD.




Tại thời điểm bắt giữ, cơ quan Công an đã thu giữ gần 100.000 USD.

***
Trước đó, vào chiều qua, 18/12, có tin đồn nữ phóng viên này tống tiền 70 ngàn đô. 

Có nguồn tin cho biết, có hai nữ phóng viên bị bắt chứ không phải là một. 2 nữ phóng viên này bị bắt vì ép doanh nghiệp ở Bắc Giang nộp 100.000 USD để không đăng bài!

Cụ thể là như này: Trước thái độ hung hăng, khát máu, khát tiền của 2 bạn PV nữ nhà mình. Phải nộp đủ số tiền trên mới tha, mới không đăng bài. Nếu không nộp, các PV này sẽ đánh sập công ty.

Ngay sau khi có thông tin từ phía doanh nghiệp, Công an tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc xác minh và với chứng cứ đầy đủ, nữ PV này đã bị bắt tại trụ sở báo Thương hiệu và Công luận khi nhờ PV tên L xuống đếm hộ. Chứng cứ quan trọng nhất là sau khi nhận đủ tiền, các PV này đã "thông minh" tới mức ký giấy cam kết không đăng bài.

NHẬN BIẾT MÃ ĐỘC TẤN CÔNG MẠNG VÀ DỰ BÁO XU HƯỚNG NĂM 2019

Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu trong năm 2018. Đáng chú ý, hơn 46% người sử dụng tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cũng cho biết, họ đã từng gặp rắc rối liên quan tới mất dữ liệu trong năm qua.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết, hiện có 2 dòng mã độc phổ biến tại Việt Nam khiến người dùng bị mất dữ liệu là dòng mã độc mã hóa tống tiền ransomware và dòng virus xóa dữ liệu trên USB. Các mã độc mã hóa tống tiền lây chủ yếu qua email, tuy nhiên có tới 74% người dùng tại Việt Nam vẫn giữ thói quen mở trực tiếp file đính kèm từ email mà không thực hiện mở trong môi trường cách ly an toàn Safe Run, điều này rất nguy hiểm. Trong khi đó, do USB là phương tiện trao đổi dữ liệu phổ biến nhất tại Việt Nam nên số máy tính bị nhiễm mã độc lây qua USB luôn ở mức cao. Thống kê của Bkav cho thấy, có tới 77% USB tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ít nhất 1 lần trong năm.

Năm 2018 nổi lên hiện tượng lấy cắp tài khoản Facebook thông qua các comment dạo (bình luận). Theo nghiên cứu của Bkav, hơn 83% người sử dụng mạng xã hội Facebook đã gặp các comment kiểu này.
Chuyên gia Bkav phân tích, kẻ xấu đã dùng các tài khoản Facebook với hình đại diện là các hotgirl xinh đẹp, sexy để comment vào các bài viết hoặc group đông người quan tâm. Các nội dung comment thường rất hấp dẫn, mời gọi như: “chat với em không”, “kết bạn với em nhé”, “làm quen nha anh”… Nếu tò mò bấm vào xem trang cá nhân của tài khoản “bẫy” này, nạn nhân có thể bị lừa mất tài khoản Facebook. Để phòng tránh, người dùng tuyệt đối không bấm vào đường link đến từ những người chưa tin tưởng. Ngay cả khi link được gửi từ bạn bè, người dùng cũng cần chủ động kiểm tra lại thông tin trước khi bấm xem.
Trong hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng được công bố tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó. Đặc biệt, nhiều lỗ hổng nghiêm trọng xuất hiện trên các phần mềm phổ biến như Adobe Flash Player, Microsoft Windows… và cả trong nhiều dòng CPU của Intel, Apple, AMD...
Mặc dù bản vá an ninh đều nhanh chóng được các nhà sản xuất công bố sau khi lỗ hổng xuất hiện, nhưng việc cập nhật bản vá lại chưa kịp thời, thậm chí nhiều năm sau đó vẫn chưa được cập nhật. Điển hình như lỗ hổng SMB, sau 2 năm vẫn có tới hơn 50% máy tính tại Việt Nam chưa được vá lỗ hổng này. Đây là lỗ hổng từng bị khai thác bởi mã độc mã hóa tống tiền WannaCry, lây nhiễm hơn 300.000 máy tính trên thế giới trong vài giờ. Việc cập nhật bản vá chưa kịp thời tạo điều kiện cho hacker lợi dụng lỗ hổng để tấn công hệ thống mạng, từ đó lây nhiễm virus, cài phần mềm gián điệp, thực hiện tấn công có chủ đích APT.
Bkav khuyến cáo, bên cạnh giải pháp phòng chống mã độc tổng thế, các cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị giải pháp kiểm soát chính sách an ninh, đảm bảo các máy tính trong hệ thống cập nhật đầy đủ bản vá lỗ hổng phần mềm để tránh nguy cơ bị khai thác. Người dùng nên bật chế độ tự động cập nhật và thực hiện kiểm tra, cài đặt các bản vá cho máy tính của mình.
Các chuyên gia của Bkav cũng dự báo, mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể sẽ xuất hiện trong năm tới, ban đầu dưới hình thức những mẫu thử nghiệm PoC (Proof of Concept). Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất của người dùng Internet đến từ mã độc mã hóa tống tiền, mã độc xóa dữ liệu, mã độc đào tiền ảo và tấn công APT. Các loại mã độc này có thể kết hợp nhiều con đường lây nhiễm khác nhau để tăng tối đa khả năng phát tán, trong đó phổ biến nhất là khai thác lỗ hổng phần mềm, hệ điều hành và qua email giả mạo.
Tình trạng spam lừa đảo trên Facebook sẽ có nhiều biến tướng, không chỉ với hình thức “comment dạo”, kẻ xấu có thể sẽ sử dụng triệt để các hình thức khác như chat messenger, mời kết bạn hay tag vào các bài viết, xem chung… Hình thức tung tin đồn thất thiệt về tấn công mạng như vụ việc của Thế giới di động, FPT Shop… nhằm gây hoang mang, trục lợi có thể sẽ gia tăng. Người dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác hơn nữa với những “chiêu bài” này của kẻ xấu.


* Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÒNG QUÂN - MỘT CƯƠNG LĨNH QUÂN SỰ LỊCH SỬ CỦA ĐẢNG

Việc lãnh tụ Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là dấu mốc lịch sử trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung của Chỉ thị là sự kết tinh, kế thừa có tính nhất quán, sáng tạo tư tưởng, đường lối chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập (3-2-1930).
Một ngày trước Lễ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được Thư của Bác Hồ. Đó là Chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tuy văn phong giản dị, ngắn gọn, nhưng bức thư hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự lịch sử, có tính định hướng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
BÚT TÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

1- “Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền”:
Ngày 22-12-1944, vào lúc 17 giờ, Lễ thành lập Đội được cử hành trong khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “ Các đồng chí! Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự phát triển của cách mạng Việt nam đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Lực lượng tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng bao gồm: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân; trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng LLVT nhân dân - khác với quan điểm “súng đẻ ra Đảng, súng đẻ ra chính quyền”.
2- Tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân:
Chỉ thị của Bác Hồ nêu: “Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì LLVT trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”.
Tư tưởng về LLVT ba thứ quân của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh”. Đồng thời, là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Ăng - ghen, Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, xây dựng “quân đội thường trực”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, LLVT ba thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về LLVT ba thứ quân đã phát triển và từng bước hoàn chỉnh theo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam: từ xây dựng các đội tự vệ, đội du kích đến xây dựng đội chủ lực; từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến Việt Nam giải phóng quân, thống nhất LLVT trong cả nước, Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân, Quân giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” ngày nay.
3- Tư tưởng kháng chiến toàn dân:
Tư tưởng cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về chiến tranh đã được nêu rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn dân tộc. Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc.
Tổ tiên ta đã sớm có ý thức đoàn kết chiến đấu để giữ nước, gắn bó Nước với Nhà: “Nước mất thì nhà tan”. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì toàn dân đứng lên đánh giặc. Trần Hưng Đạo đã nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách của sự giữ nước”. Nguyễn Trãi cũng đã nói: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; “tập hợp bốn phương manh lệ”. Mỗi khi có họa ngoại xâm, dân tộc ta đã nêu cao truyền thống “cả nước chung sức đánh giặc”, “bách tính vi binh”.
Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, kết hợp với vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Người luôn luôn nhắc nhở: “phải dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Lịch sử đã chứng minh 70 năm qua, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên được lực lượng toàn dân tham gia hai cuộc kháng chiến to lớn, chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; do đó đã giành được thắng lợi vĩ đại.
4- Về chiến thuật:
Chỉ thị của Bác Hồ nêu rõ cách đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong chiến tranh toàn dân phải đánh địch bằng mọi cách: đánh du kích và tác chiến tập trung. Tác chiến du kích có vị trí chiến lược trong khởi nghĩa vũ trang với lực lượng tác chiến là những đội du kích, tự vệ. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên nhưng quy mô còn nhỏ nên về chiến thuật, Bác Hồ đã chỉ đạo dùng lối đánh du kích. Từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến tập trung và kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức tác chiến đó để tiêu hao, tiêu diệt địch là một nghệ thuật tác chiến đặc sắc của Quân đội ta.
5- Bác Hồ tiên đoán về sự phát triển của Quân đội ta:
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kết thúc bằng hai câu: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Lời tiên đoán của Bác Hồ đã trở thành sự thực. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội quân chủ lực nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã lớn mạnh như Phù Đổng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, xứng đáng với sự tin cậy của Bác, của Đảng, của nhân dân.
Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” nói riêng; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung./.


* Bài viết của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.