Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

SỰ THẬT SYRIA VÀ AFGHANISTAN

Hai cuộc chiến khủng khiếp, hai cuộc tàn phá man rợ, nhưng hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau.

Ở Syria, bây giờ có thể là mùa thu, nhưng gần như trong toàn bộ đất nước sự sống đang nảy mầm, nở rộ trở lại, mọc lên từ đống tro tàn, theo đúng nghĩa đen.

Cách Syria 2 ngàn dặm về phía đông, Afghanistan vẫn đang như một cơ thể bị đập vào những bức tường đá cổ xưa của nó, mất máu và hấp hối. Ở đó, không quan trọng là mùa nào, cuộc sống chỉ đơn giản là rất khủng khiếp với tương lai bị lưu đày vĩnh viễn.


***

1- Damascus, thủ đô cổ kính và lộng lẫy của Syria, nay là Cộng hòa Arab Syria, cuộc sống đã trở lại. Mọi người vui chơi đến tận đêm khuya, với nhiều sự kiện, âm nhạc và nhịp sống xã hội sôi động. Không phải tất cả, nhưng nụ cười đã trở lại với nhiều người. Các trạm kiểm soát đang được dỡ bỏ dần và giờ đây người ta thậm chí không phải dùng máy dò mìn trước khi vào bảo tàng, quán cà phê và các khách sạn quốc tế.

Người dân Damascus rất lạc quan, một số người ngây ngất. Họ đã chiến đấu hết mình, họ đã mất hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em, nhưng họ đã chiến thắng! Cuối cùng họ đã chiến thắng, vượt lên tất cả các dự đoán, được hỗ trợ bởi những người bạn và đồng minh thực sự của họ. Họ tự hào về những gì họ đã đạt được, và sự thật là như vậy!

Bị làm nhục rất nhiều trong một thời gian dài, người dân Ả Rập đột nhiên đứng dậy và chứng minh cho thế giới và với chính bản thân rằng họ có thể đánh bại quân xâm lược, bất kể chúng có mạnh đến đâu. Như tôi đã viết trong một số dịp trước đây, Aleppo là “Stalingrad của Trung Đông”. Đó là một biểu tượng anh hùng. Ở đó, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc đã gặp thảm bại. Không có gì đáng ngạc nhiên, vì sức chịu đựng, lòng can đảm và khả năng của mình, trung tâm của tư tưởng văn hoá Arab - Syria một lần nữa trở thành quốc gia lá cờ đầu đối với những người yêu tự do trong khu vực.

Syria có nhiều bạn bè, trong đó có Trung Quốc, Iran, Cuba và Venezuela. Nhưng người quyết tâm giúp đỡ nhất trong số họ, đáng tin cậy nhất, vẫn là Nga.

Người Nga đã đứng bên đồng minh lịch sử của mình, ngay cả khi mọi thứ có vẻ tồi tệ, gần như vô vọng, ngay cả khi những kẻ khủng bố được đào tạo và cấy ghép vào Syria bởi phương Tây, Arab Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đã san phẳng toàn bộ các thành phố cổ, và hàng triệu người tị nạn chạy khỏi đất nước, qua tất cả bảy cửa ô của Damascus và từ tất cả các thành phố lớn, cũng như các thị trấn và làng mạc.

Người Nga làm việc lặng lẽ, cần mẫn và hiệu quả, không chỉ ở “hậu trường”, trên mặt trận ngoại giao, mà còn trên tiền tuyến, cung cấp hỗ trợ tác chiến không lực, làm sạch và kiểm soát toàn bộ các khu phố, giúp cung cấp thực phẩm, hậu cần, chiến lược. Người Nga đã chết ở Syria, tôi không biết con số chính xác, nhưng chắc chắn có thương vong, một số nguồn tin thậm chí cho biết là "đáng kể". Tuy nhiên, Nga không bao giờ đầu hàng, không bao giờ đập ngực than vãn bất lực. Những gì phải làm, đã được họ thực hiện, như một nghĩa vụ quốc tế cao cả, lặng lẽ, tự hào, rất can đảm và quyết tâm.

Người dân Syria biết tất cả những điều này, họ hiểu, và họ biết ơn đối với cả hai quốc gia, mọi sáo ngữ biết ơn là không cần thiết, ít nhất là bây giờ. Tình huynh đệ sâu sắc của họ là không thể chia cắt. Họ đã cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ thù hắc ám, khủng bố và chủ nghĩa thực dân mới, và họ đã chiến thắng.

Khi các đoàn xe quân sự Nga đi qua các con đường của Syria, không cần có các biện pháp an ninh. Họ dừng lại ở các quán ăn địa phương, họ nói chuyện vui vet với người dân địa phương. Khi người dân Nga đi qua các thành phố Syria, họ không cảm thấy sợ hãi. Họ không bị coi là một "lực lượng quân sự nước ngoài". Bây giờ họ là một phần của Syria. Họ là những người thân của gia đình. Người Syria làm cho họ cảm thấy như được ở nhà.

***

2- Ở Kabul, tôi luôn phải đối mặt với những bức tường. Tường là tất cả xung quanh tôi, tường bê tông, cũng như dây thép gai.

Một số bức tường cao tới 4-5 tòa nhà, với tháp canh ở mọi góc, được trang bị kính chống đạn. Người dân địa phương, người đi bộ, trông giống như những hồn ma. Họ đã tê liệt, đã quen với những nòng súng chĩa vào đầu, chân, thậm chí chĩa vào con cái của họ.

Hầu như tất cả mọi người ở đây đều phẫn nộ vì quân chiếm đóng, nhưng không ai biết phải làm gì, làm thế nào để chống lại. Lực lượng xâm lược của NATO vừa tàn bạo vừa áp đảo, chỉ huy và binh lính của nó lạnh lùng, tính toán và tàn nhẫn, bị ám ảnh với việc tự bảo vệ và chỉ bảo vệ bản thân chúng.

Các đoàn xe quân sự của Anh và Mỹ được bọc thép nặng nề sẵn sàng bắn vào “bất cứ thứ gì động đậy”, ngay cả với những động tác mơ hồ.

Người dân Afghanistan bị giết, hầu hết tất cả trong số họ bị bắn từ xa. Cuộc sống của người phương Tây là “quý giá nhất” khi tham gia vào cuộc chiến. Việc tàn sát được thực hiện bằng máy bay không người lái, bằng “bom thông minh” hoặc bằng cách bắn từ những phương tiện quái dị chạy dọc các thành phố Afghanistan và vùng nông thôn.

Trong cuộc chiếm đóng kỳ quặc này, không quan trọng là có bao nhiêu dân thường Afghanistan bị giết, miễn là cuộc sống của lính Mỹ hoặc châu Âu được an toàn. Hầu hết binh sĩ phương Tây được triển khai ở Afghanistan là lính chuyên nghiệp. Họ không bảo vệ đất nước của họ, họ được trả tiền để làm “công việc của họ”, một cách hiệu quả, với bất kỳ giá nào. Và tất nhiên, an toàn là đầu tiên, an toàn cho bản thân.

Sau khi phương Tây chiếm Afghanistan năm 2001, khoảng 100.000 đến 170.000 dân thường Afghanistan đã bị giết. Hàng triệu người đã buộc phải rời khỏi đất nước của họ đi tị nạn. Afghanistan hiện đứng thứ hai từ dưới lên (sau Yemen) ở châu Á, trong danh sách HDI (Chỉ số phát triển con người). Tuổi thọ người dân là thấp nhất ở châu Á (theo WHO).

***

3- Tôi làm việc ở cả Syria và Afghanistan, và coi đó là nhiệm vụ của mình để chỉ ra sự khác biệt giữa hai quốc gia và hai cuộc chiến này.

Cả Syria và Afghanistan đều bị phương Tây tấn công. Một người chống cự và chiến thắng, người còn lại bị chiếm giữ bởi các lực lượng Bắc Mỹ và Châu Âu, và do đó bị phá hủy.

Sau khi làm việc ở 160 quốc gia trên hành tinh này, và sau khi chứng kiến vô số cuộc chiến tranh và xung đột (hầu hết đều bị phương Tây và đồng minh kích động), tôi có thể thấy rõ mô hình: gần như tất cả các quốc gia rơi vào phạm vi ảnh hưởng của phương Tây giờ đều bị hủy hoại, cướp bóc và tàn phá. Họ đang gặp sự chênh lệch lớn giữa số lượng nhỏ “tinh hoa” là những cá nhân cộng tác với phương Tây với đại đa số người dân sống trong nghèo khổ. Hầu hết các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga hoặc Trung Quốc (hoặc cả hai), đều đang thịnh vượng và phát triển, tự tôn tự chủ và tôn trọng văn hóa, hệ thống chính trị và cấu trúc kinh tế của mình.

Chỉ vì hệ thống truyền thông đại chúng và hệ thống giáo dục thiên vị, cũng như định hướng gần như hoàn toàn thân phương Tây của các "phương tiện truyền thông xã hội", những sự tương phản gây sốc này giữa hai khối (vâng, giờ đây chúng ta lại có hai khối chính giữa các quốc gia) không liên tục được phản ánh và thảo luận.

***

4- Trong chuyến thăm gần đây của tôi đến Syria, tôi đã nói chuyện với nhiều người sống ở Damascus, Homs và Ein Tarma. Những gì tôi chứng kiến có thể được mô tả là niềm vui của người Hồi giáo, trong nước mắt. Cái giá phải trả cho chiến thắng là rất lớn. Nhưng niềm vui là vô giá, tất nhiên. Sự thống nhất, đồng thuận giữa người dân Syria với chính phủ của họ là rất rõ ràng và đáng chú ý.

Sự giận dữ đối với phương Tây và phiến quân là rất phổ biến. Tôi sẽ sớm mô tả tình hình trong các báo cáo sắp tới của tôi. Trong bài này, tôi chỉ muốn so sánh tình hình ở hai thành phố, hai quốc gia và hai cuộc chiến.

Ở Damascus, tôi cảm thấy như muốn làm thơ, nhiều lần. Ở Kabul, tôi chỉ có cảm hứng để viết một cáo phó, dài và buồn.

Tôi yêu cả hai thành phố cổ này, nhưng tất nhiên, tôi yêu chúng với những trạng thái cảm xúc khác nhau.

Nói một cách thẳng thắn, trong 18 năm chiếm đóng của phương Tây, Kabul đã bị biến thành một địa ngục quân sự hóa, bị phân mảnh và biến thành một thuộc địa trên trái đất. Mọi người đều biết điều đó, người nghèo biết điều đó và ngay cả chính phủ cũng biết điều đó.

Ở Kabul, toàn bộ các khu phố đã trở thành địa ngục. Chúng là nơi sinh sống của những cá nhân bị buộc phải sống trong các máng xối, hoặc dưới những cây cầu. Nhiều người trong số đó bị xua đuổi, mắc vào các chất ma túy, việc sản xuất ma tuý được hỗ trợ bởi quân đội chiếm đóng phương Tây. Tôi đã chụp được một số ảnh căn cứ quân sự của Hoa Kỳ được bao quanh bởi những đồn điền thuốc phiện. Tôi đã nghe những lời chứng thực của người dân địa phương, về việc quân đội Anh tham gia đàm phán và hợp tác với mafia địa phương.

Bây giờ các đại sứ quán phương Tây, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế hoạt động ở Afghanistan, đã tìm cách vơ vét tài nguyên, tham nhũng về mặt trí tuệ và đạo đức, truyền bá tư tưởng cho một nhóm người bản địa, những người nhận được học bổng, được “đào tạo” ở châu Âu, để phục vụ cho những kẻ chiếm đóng. Họ đang làm việc ngày đêm để hợp thức hóa cơn ác mộng mà đất nước họ bị ném vào.

Nhưng những người lớn tuổi vẫn còn nhớ thời quân đội Xô viết và chế độ xã hội chủ nghĩa Afghanistan. Lớp người lớn tuổi vẫn chủ yếu mang tình cảm thân Nga, nuối tiếc những ngày Afghanistan được giải phóng và độc lập, tiến bộ và xây dựng tinh thần quyết tâm của quốc gia. Các nhà máy bánh mì, kênh dẫn nước, đường ống dẫn dầu, tháp điện cao thế và trường học của Liên Xô vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, trên khắp cả nước. Trong khi đó, bình đẳng giới, chủ nghĩa thế tục và cuộc đấu tranh chống phong kiến của thời đó đến nay, dưới sự chiếm đóng của phương Tây, bị coi là bất hợp pháp.

Người Afghanistan được biết đến là một dân tộc tự hào và quyết đoán. Nhưng bây giờ niềm tự hào đó đã bị phá vỡ, lòng quyết tâm bị nhấn chìm trong biển bi quan và trầm cảm. Sự chiếm đóng của phương Tây không mang lại hòa bình, nó không mang lại sự thịnh vượng, độc lập của nền dân chủ, nếu dân chủ được hiểu là "sự cai trị của nhân dân”.

Ngày nay, giấc mơ lớn nhất của một thanh niên hay phụ nữ ở Kabul là được phục vụ cho những kẻ chiếm đóng, họ được “giáo dục” trong một trường học kiểu phương Tây, để có được một công việc tại đại sứ quán Hoa Kỳ hoặc một trong các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

***

5- Ở Damascus, mọi người hiện đang nói về việc xây dựng lại đất nước. “Làm thế nào và khi nào các khu phố bị thiệt hại sẽ được xây dựng lại? Việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm triển khai trước chiến tranh sẽ sớm được tiếp tục lại? Cuộc sống sẽ tốt hơn trước?”.

Mọi người đã không chờ đợi. Tôi đã chứng kiến các gia đình và cộng đồng, cùng khôi phục lại các tòa nhà, nhà ở và đường phố của họ.

Vâng, ở Damascus tôi thấy sự lạc quan cách mạng thực sự trong hành động, sự lạc quan mà tôi đã mô tả trong cuốn sách gần đây của tôi về “Sự lạc quan cách mạng và chủ nghĩa hư vô phương Tây”. Nhà nước Syria bây giờ, một lần nữa, ngày càng mang tính cách mạng. Cái gọi là “phe đối lập” hầu như không có gì khác ngoài một cuộc lật đổ do phương Tây bảo trợ, một nỗ lực để đưa Syria trở lại những ngày đen tối của chủ nghĩa thực dân.

Damascus và chính phủ Syria không cần những bức tường to lớn, những đốm sáng gián điệp khổng lồ bay trên bầu trời; họ không cần xe bọc thép ở mọi góc và chiếc SUV toàn diện với súng máy giết người.

Vậy nhưng, những kẻ chiếm đóng Kabul cần tất cả những biểu tượng quyền lực chết người đó để duy trì sự kiểm soát. Tuy nhiên, họ không được mọi người ủng hộ hoặc yêu thương.

Ở Damascus, tôi tự do bước vào văn phòng của tiểu thuyết gia đồng nghiệp của mình, là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Syria. Ở Kabul, tôi phải đi qua máy dò kim loại ngay cả khi chỉ muốn ghé vào một nhà vệ sinh.

Ở Damascus, có hy vọng, và cuộc sống diễn ra ở mọi góc phố. Quán cà phê chật cứng, mọi người nói chuyện, tranh luận, cười đùa cùng nhau và hút thuốc với nhau. Bảo tàng và thư viện cũng đầy người. Nhà hát tổ chức biểu diễn, vườn thú luôn sôi động người đến thăm, tất cả diễn ra bất chấp chiến tranh, bất chấp mọi khó khăn.

Ở Kabul, cuộc sống đã dừng lại. Ngoại trừ giao thông, và các khu chợ bán hàng thiết yếu phải có. Còn ngay cả Bảo tàng Quốc gia bây giờ cũng bị biến thành một pháo đài, và kết quả là, hầu như không ai có thể tìm thấy gì bên trong đó.

Người dân ở Damascus không biết nhiều những gì diễn ra ở Kabul. Nhưng họ quen thuộc với tin tức về Baghdad, Tripoli và Gaza. Và họ thà chết còn hơn là cho phép bị phương Tây chiếm đóng, hoặc cấy ghép chính phủ tay sai của chúng.

Hai cuộc chiến tranh, hai số phận, hai thành phố hoàn toàn khác biệt.

Bảy cửa ô của Damascus nay đã rộng mở. Người tị nạn đang trở về từ mọi hướng, từ mọi nơi trên thế giới. Đã đến lúc hòa giải, xây dựng lại đất nước, để làm cho Syria vĩ đại hơn cả trước khi cuộc xung đột xảy ra.
Kabul, vẫn thường xuyên bị rung chuyển bởi các vụ nổ, bị phân mảnh bởi những bức tường khủng khiếp. Động cơ máy bay trực thăng gầm rú phía trên, nhấp nháy đèn từ đôi mắt chết chóc của chúng theo dõi mọi thứ trên mặt đất. Máy bay không người lái, xe tăng, xe bọc thép khổng lồ.. Người nghèo, người vô gia cư, khu ổ chuột... Lá cờ Afghanistan khổng lồ bay trên Kabul. Một "lá cờ sửa đổi" xa lạ, không giống như lá cờ của quá khứ xã hội chủ nghĩa.

Ở Syria, cuối cùng đã thống nhất nhờ đánh bại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cuồng tín và các giáo phái.
Ở Afghanistan, quốc gia bị chia rẽ, bị sỉ nhục, bị tước đoạt vinh quang trước đây.

Damascus đã thuộc về người dân của nó. Ở Kabul, người dân bị ngăn cách và cấm đoán bởi những bức tường bê tông và căn cứ quân sự dựng lên bởi những kẻ xâm lược nước ngoài.

Ở Damascus, mọi người đã chiến đấu, chết cho đất nước và thành phố của họ.
Ở Kabul, mọi người sợ hãi, thậm chí sợ hãi ngay cả trong việc nói về đấu tranh cho tự do.

Damascus đã thắng. Nó đã giành lại tự do một lần nữa.
Kabul cũng sẽ thắng. Có lẽ không phải hôm nay, không phải năm nay, nhưng nó sẽ thắng. Tôi tin rằng nó sẽ chiến thắng!

Tôi yêu cả hai thành phố. Nhưng một người bây giờ đang ăn mừng, trong khi người còn lại vẫn quằn quại khổ đau, nỗi đau không thể nào tưởng tượng được...

(Tác giả: Andre Vltchek, phóng viên vì hòa bình. Biên dịch: Ngô Mạnh Hùng)
===
P/s: một số người vẫn vì ấu trĩ hoặc cố tình đánh đồng, rằng Nga hay Mỹ cũng đều vì lợi ích của mình, cũng đều là đế quốc. Đọc từ những cây bút thực tế này để rõ ai là sứ giả hòa bình, ai là ác quỷ chiến tranh.

Và tôi thấy ở đây, hình ảnh của cả một quá trình lịch sử rất dài của Việt Nam. Bài viết thật nhiều cảm xúc..

BỘ MẶT THẬT "YÊU SÁCH TÁM ĐIỂM NĂM 2019" CỦA NHỮNG KẺ TỰ XƯNG TỰ DO, DÂN CHỦ, CÔNG LÝ

Gần 100 năm trước, ngày 28-6-1919, các nước thắng trận gồm Anh, Pháp, Nga, Ý, Mỹ và các nước bại trận là Đức, Áo – Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp Hội nghị tại Versailles, Pháp để ký kết các hòa ước chính thức cũng như phân chia quyền lợi cho các nước thắng trận.
Thời điểm đó, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, đã tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Paris và các tỉnh ở Pháp, soạn thảo “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây”. Bản yêu sách gồm 8 điểm, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản, tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Sự kiện đó đã đi vào lịch sử.
Vậy mà, ngày 19-12-2018, 100 tổ chức và cá nhân tự xưng là người Việt Nam yêu tự do, dân chủ và công lý đã khởi xướng cái gọi là “Yêu sách tám điểm năm 2019”, nhại lại bản yêu sách năm xưa để gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam.

Bộ mặt thật trong“Yêu sách tám điểm năm 2019” là gì, xin phân tích rõ các nội dung sau:
Một là, đòi hỏi vô căn cứ của “Yêu sách tám điểm năm 2019”
“Yêu sách tám điểm năm 2019” đặt ra những đòi hỏi vô lý, không có cơ sở khoa học và thực tiễn khi yêu cầu Đảng, Nhà nước Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân đang chấp hành án vì thực hiện các hành vi: “gây rối trật tự”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” và bỏ định hướng chính trị đối với giáo dục và đào tạo.
Những người bị tước đi một số quyền công dân vì thực hiện các hành vi “gây rối trật tự”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi tù nhân chưa tiến bộ, chưa chấp hành hết thời gian giam giữ theo bản án thì không thể trả tự do là điều đương nhiên.
Thông Tư số 06/2018/TT-BCA, ngày 12-02-2018 quy định tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Tại chương II, tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, gồm 16 điều, từ Điều 7 đến Điều 22 quy định rõ quá trình chấp hành án của phạm nhân, phấn đấu tốt sẽ được giảm nhẹ hình thức giam giữ. Bên cạnh đó, tính nhân văn của chế độ XHCN cũng được biểu hiện qua quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và quyết định giảm án, tha tù của cấp có thẩm quyền dành cho những tù nhân có hướng phấn đấu, hoàn lương.
Những tù nhân chưa chấp hành án đúng thời gian theo bản án và chưa có sự tiến bộ thì chưa thể được hưởng các quy định này. “Yêu sách tám điểm 2019” đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta trả tự do vô điều kiện là không có căn cứ.
“Yêu sách tám điểm 2019” đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta bỏ tính định hướng trong giáo dục và đào tạo thực chất là tạo cơ sở để các tổ chức phản động ngoài nước tham gia vào công tác giáo dục và đào tạo của nước nhà; hòng đưa ý thức hệ đối lập vào thế hệ trẻ, qua đó nhằm mục đích “không đánh mà tan”, kéo theo “sự nhạt nhòa”, xa rời tôn chỉ, thiếu kiên định, hoang mang, dao động và chống đối, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.
Rõ ràng, những đòi hỏi, yêu sách trên là không thể chấp nhận, cần nhận diện và thẳng thắn đấu tranh, phê phán, loại bỏ.
Hai là, xuyên tạc, phủ nhận các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại, cư trú
Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được tập trung, cụ thể hóa tại Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin.
Công dân có quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí thông qua việc sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in; phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí.
Nhà báo có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình. Nếu thông tin đăng tải sai sự thật, trái với quy định của pháp luật thì buộc phải xem xét, thu hồi, xử lý.
Những cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để công khai chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, phản bội Tổ quốc, chế độ thì đều phải bị xử lý để đảm bảo được tính dân chủ có tập trung, không tạo kẽ hở cho dân chủ vô nguyên tắc.
Có một thực tế, theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến tháng 6-2018, cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó, cơ quan báo in có 86 cơ quan Trung ương, 107 cơ quan địa phương. Tạp chí in có 350 đơn vị Trung ương, 134 đơn vị địa phương. Báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị.
Cả nước hiện tại cũng có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Số lượng thẻ nhà báo đã cấp mới trong 6 tháng đầu năm là 1.066, trong đó cấp mới 1.032 thẻ, cấp lại 34 thẻ. Đến nay, tổng số thẻ nhà báo đã cấp là 19.166 thẻ. Số trang thông tin điện tử tổng hợp Bộ đã cấp phép đến hết tháng 6-2018 là 1.510. Số mạng xã hội trong nước được cấp phép là 228.
Bên cạnh đó, có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam, cùng với rất nhiều cơ quan báo chí trong nước thường xuyên phản ánh thông tin đa chiều trên bình diện đời sống chính trị – xã hội Việt Nam đến mọi người dân; người dân được bày tỏ tâm tư, tình cảm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng thông qua báo chí. Sự thật này bác bỏ luận điệu xuyên tạc Việt Nam tự do ngôn luận, tự do báo chí của các thế lực thù địch, phản động.
Ở Việt Nam, quyền tự do đi lại, cư trú của công dân luôn được tôn trọng và bảo vệ. Song, những cá nhân phản bội Tổ quốc, có hành vi móc nối các tổ chức phản động nước ngoài xâm phạm an ninh quốc gia, thực hiện các hành vi chống phá, đang tị nạn ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ thì việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn là cần thiết.
Trên thế giới, mọi quốc gia đều có quy định nhằm ngăn chặn, đấu tranh với các đối tượng hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia; bất kỳ cá nhân nào có hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đều phải bị nghiêm trị.
Luận điệu xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do đi lại, tự do cư trú của công dân chỉ là nguyên cớ để tạo sức ép, can thiệp nội bộ, nhằm đưa những cá nhân bất hảo, phản quốc để kích động, gây rối, chống phá, tạo nguyên cớ để can thiệp vào chế độ của ta.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội của công dân; những hội được công dân lập ra dựa trên nhu cầu chính đáng của con người và hoạt động vì tiến bộ của cá nhân, gia đình, xã hội, tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật nhà nước luôn được tôn trọng và khuyến khích phát triển.
Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể, rõ ràng về việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trong đó việc tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội, không vì mục đích lợi nhuận.
Tuy nhiên, thành lập các hội, nhóm để trở thành tổ chức đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam, hoạt động không tuân thủ theo pháp luật của nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc thì hiển nhiên không được chấp nhận ở Việt Nam.
Luận điệu xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền lập hội, nhóm được “Yêu sách tám điểm năm 2019” đề cập thật là thiển cận, bản chất là tạo bàn đạp, cơ sở thành lập các tổ chức xã hội dân sự đối lập, thực hiện các hành vi chống phá, kích động, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Ba là, xuyên tạc mô hình nhà nước pháp quyền XHCN và chế độ bầu cử ở Việt Nam
Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” và “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam luôn hướng tới đảm bảo dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân, phát triển năng lực làm chủ và thực hành dân chủ của nhân dân trên tư cách người chủ của nhà nước và xã hội.
Điều này đã được Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” là sự lựa chọn đúng đắn, cần phải kiên định thực hiện.
Những luận điệu nói nền pháp luật của Việt Nam không có sự công bằng trong bầu cử và ứng cử là sai sự thật. Mô hình nhà nước pháp quyền XHCN của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, không thể coi “tam quyền phân lập” là sự lựa chọn phù hợp ở nước ta.
Hồng Phú/Báo CAND