Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

BỘ 4T ĐỀ XUẤT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC PHẢI DÙNG TÊN THẬT TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Những ngày qua, cộng đồng mạng lại dậy sóng khi Bộ 4T tổ chức hội thảo góp ý kiến “Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” đối với thành phần công chức, viên chức Nhà nước, Khôi hài thay, giới dân chủ vốn phần lớn không phải là công chức, viên chức Nhà nước lại tích cực bàn thảo nhiều nhất. Qua nội dung bàn thảo của họ cho thấy rất nhiều bí mật được tiết lộ, vốn là bửu bối mà họ sử dụng để "đấu tranh dân chủ cho Viêt Nam" lâu nay. Thậm chí đáng lý ra người lo lắng nhất phải là công chức, viên chức bị "bịt miệng", "không được tự do ngôn luận" thì dường như giới dân chủ Việt lại lo cho tương lai, sự nghiệp của chính mình bị "bịt miệng" vậy.

Xin được mổ xẻ sự vụ này, như sau:
Bàn về Dự thảo bộ quy tắc ứng xử mà Bộ 4T đưa ra, có quy định rằng khi tham gia mạng xã hội, công nhân viên của các cơ quan nhà nước phải tuân thủ một loạt các nguyên tắc:
- Thứ nhất, họ phải công khai tên thật, ảnh thật và nơi công tác của mình.
 -Thứ hai, họ phải ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa; chia sẻ thông tin mang tính khách quan, trung thực, công bằng; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.
- Thứ ba, họ không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi ứng xử trên mạng xã hội, không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội, không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Thứ tư, họ phải thông báo rõ ràng rằng các ứng xử trên mạng xã hội là việc làm mang tính cá nhân, không đại diện cho cơ quan chủ quản hay được ủy quyền bởi cơ quan chủ quản.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ 4T Hoàng Vĩnh Bảo cho biết bộ quy tắc ứng xử này được xây dựng như một "khuôn khổ thể chế mềm" để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ mạng xã hội, bao gồm "các thông tin xấu, độc". Khi báo chí chính thống đưa tin về dự thảo, họ dồn sự chú ý vào đề xuất rằng công nhân viên Nhà nước sẽ phải công khai tên thật, ảnh thật và nơi công tác trên mạng xã hội. Nhân đó, trong tuần qua, đài RFA tiếng Việt và ông Chu Mộng Long đã có bài công kích chi tiết này, trong khi bỏ qua các chi tiết khác.
Để khai thác chủ đề, RFA đã phỏng vấn cựu phóng viên Đỗ Cao Cường, luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư Nguyễn Duy Bình, và "cô Tuyền sống ở TP.HCM". Trong đó, Cường và Tuấn đồng loạt giải thích rằng khi Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra quy định trên, Bộ muốn "ngăn cấm" giới công nhân viên Nhà nước đăng thông tin nội bộ ở cơ quan lên mạng xã hội, trong dụng ý chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp đó, "cô Tuyền" công kích rằng dự thảo này "vi phạm quyền riêng tư của người dân". Đỗ Cao Cường nói rằng đây là một hình thức "nô lệ hóa" công chức, khiến công chức không dám nói sự thật. Ngô Anh Tuấn không công kích, mà chỉ nói rằng việc này không khả thi, vì mỗi công chức có thể lập hàng chục nick ảo để qua mặt bộ quy tắc ứng xử. Nguyễn Duy Bình nói rằng vì Bộ Thông tin - Truyền thông chưa quy định rõ "thông tin xấu" là gì, Bộ có thể làm theo thói quen là cấm các thông tin mà nhà nước không thích, dẫn đến việc "bóp nghẹt tư tưởng của cán bộ, công chức khi họ muốn 'ứng xử thuận chiều' - đồng tình với những thông tin được nhân dân, nhân loại tiến bộ cho là tốt, là tích cực".
Trong khi đó, Chu Mộng Long châm chọc rằng trước khi ban hành bộ quy tắc ứng xử này, Nhà nước phải sửa Luật Báo chí theo hướng cấm phóng viên các báo chính thống dùng bút danh, để các bút danh như "Trần Dân Tiên" không còn gây tranh cãi sau nửa thế kỷ.
Như đã trình bày trong kỳ trước, qua lập luận phản đối, công kích dự thảo bộ quy tắc trên cho thấy, ngoài đặc trưng cổ vũ "tự do ngôn luận" theo kiểu "ẩn danh", không chịu trách nhiệm với phát ngôn và hậu quả xã hội do phát ngôn của mình gây ra vốn đã trở thành "bảo bối" gắn mác "đấu tranh dân chủ" lâu nay của họ, điều họ lo sợ nhất là khi giới công chức, viên chức Nhà nước buộc phải dùng tên thật khi tham gia mạng xã hội và chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình thì sẽ không thể "tố cáo sai phạm trong bộ máy", vi phạm quyền riêng tư, gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng, bịt miệng họ...

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến:
* Thứ nhất, chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Đỗ Cao Cường và Ngô Anh Tuấn, rằng giới công nhân viên Nhà nước sẽ không thể chống tham nhũng, tiêu cực nếu phải dùng tên thật trên mạng xã hội. Trong thực tế, khi một công chức phát giác một vụ tham nhũng, sai phạm có thật, anh ta có thể công khai đưa vụ việc ra ánh sáng theo 3 cách. Một, là dùng tên thật của mình để viết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến vụ việc. Hai, là dùng tên thật của mình để phản ánh vụ việc với báo chí. Ba, là dùng tên thật của mình để đưa vụ việc lên mạng xã hội.
Nếu sợ bị trả thù, công chức đó có thể đề nghị giấu tên khi cung cấp thông tin về vụ sai phạm cho cơ quan điều tra hoặc báo chí. Bởi Khoản 4, Điều 38 của Luật Báo chí 2016 có quy định như sau:
"Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không Tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin."
Khi công nhân viên Nhà nước tố cáo tham nhũng, sai phạm bằng 4 phương thức vừa nêu, báo chí và cơ quan điều tra sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn tin để xác minh sự thật, nhằm đưa vụ việc ra ánh sáng. Ngược lại, nếu công nhân viên Nhà nước tố cáo tham nhũng, sai phạm bằng nick ảo xã hội, họ sẽ chỉ tạo ra các tin đồn mà không ai kiểm chứng được - thứ gây hỗn loạn trong xã hội một thời gian rồi chìm vào quên lãng.
* Thứ hai, cần lưu ý rằng theo quy định của pháp luật và cơ quan, thì công nhân viên Nhà nước không được đưa một số loại thông tin lên mạng xã hội. Chẳng hạn, Khoản 3 Điều 18 của Luật Cán bộ Công chức 2018 quy định rằng công chức không được "lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi". Khoản 1 Điều 19 của luật này quy định rằng "cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức". Những quy định này không có gì quá đáng, vì chúng cũng tồn tại trong luật pháp của nhiều nước phương Tây. Chẳng hạn, Mỹ từng truy tố cựu nhân viên CIA Edward Snowden về tội gián điệp và tội tiết lộ bí mật quốc gia, dù những thông tin mà Snowden tiết lộ cho thấy chính phủ Mỹ đã có nhiều sai phạm trong lĩnh vực nhân quyền, khi theo dõi điện thoại và Internet của nhiều người trên toàn thế giới.

Như vậy, các quy định mà Bộ Thông tin - Truyền thông đang đề xuất có nhiều điểm phù hợp với pháp luật Việt Nam, chứ không đáng tranh cãi như truyền thông lề trái đang mô tả. Tuy nhiên, Bộ cũng nên ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Duy Bình, rằng cần xác định rõ các loại thông tin mà công nhân viên Nhà nước không được đăng lên mạng xã hội, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.
LP.

Không có nhận xét nào: